Để học sinh làm chủ ngôi trường của mình

  • Đăng ngày 25/10/2016
  • 1288 lượt xem
Sau khi đọc bài Những cải cách giáo dục không cần nghìn tỉ, tôi thấy rất tâm đắc

Tất nhiên chúng ta cải cách cần có quá trình và thời gian quá độ. Trước khi đưa vào thực hiện ngay những gì như anh nói, chúng tôi đã có thể bắt đầu bằng những việc đơn giản như thế này để kiểm chứng.

Tôi may mắn được làm việc ở ngôi trường đưa vào triển khai chương trình The Leader in me – Lãnh đạo tự thân và đã đến năm thứ ba thực hiện.

Tôi đã thấm nhuần thông điệp luôn tạo cơ hội cho học sinh làm chủ trong tối đa các hoạt động học, các hoạt động ngoại khoá trong nhà trường.

Các em được rèn luyện bảy thói quen của bạn trẻ thành đạt (Franklin Covey) và rèn luyện những giá trị sống cần thiết.

Giáo viên tạo ra những cơ hội để học sinh làm chủ trong chính trường học của mình, chúng sẽ tự thấy đây là ngôi trường của chúng chứ không phải ngôi trường của ban giám hiệu, của giáo viên mà chúng phải chạy theo.

Năm nay tôi đã và đang triển khai một số dự án nhỏ như sau:

Ở cấp độ lớp. Đầu năm có cuộc họp phụ huynh với giáo viên chủ nhiệm vào đầu tuần 2 tháng 9, tức là sau chưa đầy bốn tuần học tại trường. Chúng tôi đã bước đầu hướng dẫn học sinh tổ chức một sự kiện cấp lớp nho nhỏ. Với thời lượng 120 phút nhà trường đề ra, tôi đã dành ra 30 phút cho học sinh được chủ trì.

Tôi cùng thảo luận với hoc sinh xem tổ chức một buổi họp phụ huynh cần phải làm những gì. Sau đó tôi hướng dẫn các em lập bảng kế hoạch để triển khai các ý trên. Ai nhận nhiệm vụ nào, tự đưa ra thời hạn, được lưu ý những gì… Và tôi đưa ra thời gian tổng duyệt tất cả các hạng mục trên trước ngày họp phụ huynh.

Trong buổi họp phụ huynh, có bạn cầm giấy nói, có bạn dùng slide để nói, có bạn chỉ có chữ trên slide, có bạn còn đưa cả hình ảnh vào minh hoạ. Tôi đã không ép các con phải hoàn hảo và chuyên nghiệp ngay từ đầu và tôi cũng truyền thông tới phụ huynh như vậy.

Cuối buổi những bạn cầm giấy thuyết trình đã thấy thuyết trình qua slide, nhìn chuyên nghiệp hơn và xin lần sau sẽ làm slide vì thấy các bạn làm cũng dễ. Các em đã có 10 phút rút kinh nghiệm nhanh ngay sau buổi họp và tự hào vì mình đã làm được một việc quan trọng.

Ở cấp độ trường. Trong chủ đề Tháng văn minh đầu năm của trường tôi, không những chỉ dạy tại sao phải văn minh, văn minh là thế nào, tôi đã cho học sinh đi quan sát và khảo sát khắp trường mình về những tồn tại mà trường đang có. Các em đã tự nhận thấy và không chấp nhận được những việc sau:

– Còn rác trên hành lang, toilet;

– Còn hiện tượng rửa tay xong ở toilet vẩy ướt bồn, sàn nhà;

– Còn hiện tượng ra vào hành lang sử dụng điều hoà trung tâm mà không đóng cửa – tốn điện;

– Vẫn còn hiện tượng chưa có văn hoá xếp hàng khi đi lấy đồ ăn;

– Trước khi ăn chưa rửa tay, ăn xong còn đổ nhiều thức ăn lãng phí;

– Tư thế ngồi ăn chưa lịch sự, cười nói ồn ào…;

– Lấy nước ở cây nước chung còn vung vãi trên sàn nhà – chưa tiết kiệm nước;

– Một số học sinh còn lười hát Quốc ca trong giờ chào cờ, hát chưa nghiêm túc;

– Cổng lấy vé xe còn lộn xộn, chưa xếp hàng văn minh.

Sau khi, khảo sát xong tôi cho học sinh tự thảo luận và đưa ra ý tưởng xem mình/nhóm mình sẽ làm gì để thay đổi hiện trạng trên. Các em có thể vẽ poster cổ động, làm clip, sáng tác bài hát, tìm hiểu thông tin và làm powerpoint thuyết trình về những vấn đề đó…

Các em đã thực sự làm chủ ngôi trường của mình. Tôi rất mừng khi các em đã biết quan sát, biết trăn trở về những vấn đề còn tồn tại ở nơi mình đang học, đưa ra những con số thực tế, những tình trạng báo động trong nước cũng như trên thế giới, để chứng minh cho cô và các bạn thấy những tồn tại trên là những hành vi đáng lên án cần phải thay đổi ngay. Các em từ nhỏ đến lớn đã rất háo hức khi được quan sát, phát hiện và tìm ra giải pháp. Các em hiểu rằng, chúng đang làm những hành động nhỏ, cụ thể nhưng có ý nghĩa rất lớn!

Các em chính là đội hoa tiêu cho những hành vi tích cực, mỗi nhóm học sinh lan toả một nhóm hành vi tích cực chúng ta sẽ dần có môi trường tích cực. Vài trăm giáo viên trong trường giảng giải, nhắc nhở hàng ngàn học sinh cũng không thể bằng hãy để chính chúng thay đổi môi trường chúng đang sống.

Phạm Hằng
Theo TGTT