Giáo dục là truyền cảm hứng giúp học sinh tự tin khám phá tiềm năng bản thân

  • Đăng ngày 13/07/2016
  • 3898 lượt xem
Gần 1000 giáo viên tại các trường phổ thông như Tiểu học Ban Mai, Ngôi sao, Vinschool, Đoàn Thị Điểm,... vừa trải qua đợt tập huấn chuyên sâu về 7 thói quen và triển khai Quy trình TLiM – “Lãnh đạo bản thân” hướng tới thống nhất mục tiêu giáo dục toàn trường cùng chuyên gia nước ngoài đến từ Tổ chức giáo dục toàn cầu Franklin Covey.

Giải pháp “Lãnh đạo bản thân” - TLiM được coi là quy trình đổi mới giáo dục toàn diện, tập trung trang bị cho học sinh bộ kỹ năng thế kỷ 21, và bắt đầu từ việc thay đổi giáo viên, giúp phát huy năng lực “kích hoạt” tiềm năng ở từng học sinh. Hiện nay, TLiM đã được áp dụng tại gần 3000 trường trên thế giới, trong đó tại Việt Nam trong hai năm vừa qua đã có một số trường học chính thức áp dụng quy trình TLiM như Đoàn Thị Điểm, Vinschool, Ban Mai, Ngôi Sao,...và đạt được một số thành công nhất định, đặc biệt được đánh dấu bởi sự thay đổi của giáo viên và sự tự tin của học sinh.

Năm nay, Hội thảo tập huấn về Giải pháp “Lãnh đạo bản thân” được tổ chức linh hoạt và phù hợp với hơn 1000 giáo viên, nhân viên các trường TLiM tại Hà Nội. Với các trường áp dụng năm đầu tiên, đây là cơ hội để các thầy cô tiếp cận với 7 thói quen và bước đầu được hướng dẫn để giáo dục trẻ về 7 thói quen, hình thành văn hóa lãnh đạo. Đối với các trường bước sang năm thứ hai và năm thứ ba, đợt tập huấn này lại là cơ hội để các giáo viên được tái đào tạo và đào tạo chuyên sâu về 7 thói quen cũng như chuẩn bị cho mục tiêu xây dựng văn hóa lãnh đạo và nâng cao thành tích học tập trong toàn trường và từng học sinh.

Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ người giáo viên

Theo quan điểm TLiM, đặt ra mục tiêu thống nhất toàn trường nhằm mục đích tạo bệ phóng nâng cao thành tích mỗi cá nhân tạo nên thành tích tập thể là tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động của Nhà trường. Không phải chạy theo thành tích bề nổi, tập trung vào đào tạo “gà nòi”, TLiM hướng tới mục đích thúc đẩy mỗi một học sinh có mong muốn vượt qua chính mình bằng cách trao cho các em công cụ để thúc đẩy hiệu quả học tập. Các em sẽ biết cách tự đặt mục tiêu, lên kế hoạch, theo dõi, đánh giá và sửa chữa để đạt được kết quả mong muốn và qua đó nâng cao thành tích học tập.

Và để giúp các thầy cô thực hiện được mục tiêu thống nhất toàn trường, chuyên gia của Tổ chức Franklin Covey, đã tập huấn cho các giáo viên cách sử dụng bộ công cụ nâng cao thành tích học tập cho học sinh cũng như gợi ý nhiều cách tiếp cận lồng ghép phù hợp

Lớp học mẫu về cách lồng ghép dạy 7 thói quen của người thành đạt trong Hội thảo tập huấn TLiM tại Trường Tiểu học Ban Mai

Bên cạnh nội dung thống nhất mục tiêu toàn trường, khóa tập huấn kéo dài 3 ngày đối với các trường đã triển khai năm 1 và 2, còn triển khai phần nội dung Suy ngẫm lại về khái niệm lãnh đạo nhằm khắc sâu và tạo động lực chuyển đổi mô thức giáo dục một cách sâu sắc hơn. Các thầy cô đã cùng nhìn lại quan điểm về “lãnh đạo” sau một năm thực thi tinh thần lãnh đạo bản thân trong hoạt động giáo dục của Nhà trường. Nhiều khái niệm được đưa ra nhưng đều thể hiện trải nghiệm riêng của mỗi giáo viên. Trong đó “Lãnh đạo chính là dùng khả năng của mình giúp học sinh khám phá và phát huy được tiềm năng của bản thân” là khái niệm được nhiều thầy cô ủng hộ đồng tình nhất. Qua phần nội dung này, 5 mô thức chuyển đổi giáo dục của TLiM một lần nữa được soi chiếu theo góc độ áp dụng thực tế của chính các thầy cô. Từ đó, góp phần khắc sâu khái niệm, thay đổi mô thức và truyền cảm hứng để các thầy cô có khát vọng chuyển đổi mỗi ngày để góp phần thiết thực vào con đường đổi mới giáo dục từ chính mình.

Các thầy cô Đoàn Thị Điểm sôi nổi trong các hoạt động đào tạo năm thứ 3

Sau một thời gian áp dụng thực tế Quy trình Lãnh đạo bản thân – The leader in me (TLiM), các thầy cô cũng đều có những kinh nghiệm đúc rút và cảm nhận được hiệu quả của quy trình đã tác động ra sao đến bản thân và học sinh. Rất nhiều câu chuyện thực tế về sự tiến bộ, tự tin và chủ động của học sinh khi được trao quyền, được đảm nhận vai trò lãnh đạo,... đã được chia sẻ và tạo nên không khí hứng khởi của phần nội dung Tái đào tạo 7 thói quen. Phần nội dung này vừa giúp củng cố kỹ năng, năng lực của người giáo viên vừa tạo cơ hội để các thầy cô tự đánh giá bằng bảng nhận xét cũng như tạo động lực để tiếp tục sáng tạo mang lại nhiều hơn giá trị cho học sinh.

Các giáo viên mới tại Vinschool hào hứng trong các hoạt động nhóm ý nghĩa

Phần nội dung cuối cùng và cũng là quan trọng nhất của khóa tập huấn hướng tới thống nhất mục tiêu toàn trường, tạo nên một tập thể Nhà trường có nền tảng văn hóa vững chắc, tạo cơ hội để các học sinh được rèn giũa kỹ năng mỗi ngày. Điều đó chỉ có thể làm được khi mục tiêu của mỗi người giáo viên, mỗi học sinh sẽ thống nhất chung cùng mục tiêu Nhà trường. Một tập thể của những giáo viên, học sinh mang tinh thần “Lãnh đạo bản thân” sẽ tạo nên những sự thay đổi đột phá từ văn hóa trường học cho tới giáo dục tính cách học sinh và nâng cao thành tích học tập.